Giá trị sống - Living values - 12 giá trị

Giá trị sống vì một thế giới tốt đẹp hơn

CHI HỘI KHOA HỌC TÂM LÝ – GIÁO DỤC GIÁ TRỊ SỐNG (LVEC)

LVEC là một tổ chức tập hợp các tình nguyện viên độc lập, không đại diện hay liên quan đến 1 tổ chức chính trị hay tôn giáo đặc thù nào và là thành viên liên kết chính thức của Hiệp hội các Giá trị sống quốc tế (ALIVE).

Các chương trình Giá trị sống cho cộng đồng:

* Giá trị sống dành cho các bậc làm cha mẹ.

* Giá trị sống trong văn hóa doanh nghiệp và tổ chức.

* Trại hè Giá trị sống cho thanh - thiếu nhi

* Học Giá trị sống tại nhà

* Chương trình Giá trị sống online

12 giá trị: bao gồm

Giá trị Bình an

Giá trị Tôn trọng

Giá trị Yêu thương

Giá trị Khoan dung

Giá trị Trung thực

Giá trị Khiêm tốn

Giá trị Hợp tác

Giá trị Hạnh Phúc

Giá trị Trách nhiệm

Giá trị Giản dị

Giá trị Tự do

Giá trị Đoàn kết

Chi Tiết Bài Viết

Blog 1

Báo cáo của Bộ Lao động

2018-10-16 16:30:30   

Hà Nội, ngày 28 tháng 3 năm 2007 

 

BÁO CÁO KẾT QUẢ 
 
 
THÍ ĐIỂM ÁP DỤNG CÁC HOẠT ĐỘNG GIÁ TRỊ SỐNG
 
GIÀNH CHO TRUNG TÂM CAI NGHIỆN 
 
CỦA HÀ NỘI VÀ MỘT SỐ TỈNH PHÍA BẮC


 
 
 


Tháng 7/2006, thực hiện thỏa thuận ký ngày 20/6/2006, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội và Chương trình Giáo dục Giá trị sống đã phối hợp tổ chức lớp tập huấn trong 10 ngày về Các hoạt động Giá trị giành cho Trung tâm cai nghiện (LVARD) tại Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – LĐXH số 5, Hà Nội. Tham gia khóa tập huấn có 11 Trung tâm của các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hà Tây, Hòa Bình, Lào Cai, Ninh Bình.
 


Sau 6 tháng (từ tháng 9/2006 đến tháng 2/2007) theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc các Trung tâm thí điểm áp dụng chương trình, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội đã tiến hành khảo sát, đánh giá kết quả:

1. Dự giờ học Giá trị sống giành cho Trung tâm cai nghiện.

2. Thu thập thông tin qua Lãnh đạo Trung tâm, trưởng phòng quản lý – GD, cán bộ trực tiếp giảng dạy.

3. Phỏng vấn trực tiếp tất cả học viên tham gia học tập.

4. Phát phiếu tự đánh giá bản thân cho học viên.



Kết quả bước đầu rất đáng được ghi nhận:

I/ Tổ chức áp dụng chương trình:

Ngay tại lớp tập huấn nói trên, cán bộ Cục Phòng chống tệ nạn xã hội đã hướng dẫn học viên xây dựng kế hoạch áp dụng tại Trung tâm, thống nhất tổ chức thí điểm 2 lớp/Trung tâm và học 1bài/tuần trong 6 tháng.

1. Công tác chuẩn bị: 

Cán bộ Trung tâm sau khi được tập huấn, một mặt nghiên cứu kỹ các bài giảng, trao đổi trong nhóm để hiểu sâu hơn về ý nghĩa từng bài học và phương pháp giảng dạy, một mặt xây dựng Kế hoạch áp dụng thí điểm, xây dựng lịch giảng dạy trình Ban Giám đốc Trung tâm và đề xuất về cơ sở vật chất phục vụ lớp học (phòng học, dụng cụ học tập, văn phòng phẩmv.v…). 

2. Triển khai thực hiện: 

Xác định việc xây dựng một chương trình giáo dục phù hợp và hiệu quả cho Trung tâm là hết sức cần thiết, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội mà trực tiếp là các Chi Cục (Phòng) Phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội, Hà Tây, Lào Cai, Hòa Bình rất quan tâm chỉ đạo việc áp dụng thí điểm chương trình Giáo dục Giá trị sống cho học viên đang cai nghiện tập trung, đã cử cán bộ theo dõi, đôn đốc việc thực hiện và đánh giá kết quả. 

Ban Giám đốc các Trung tâm thí điểm đã tạo điều kiện thuận lợi cho lớp học. Các lớp đều được trang bị loa, đài, văn phòng phẩm phục vụ giảng dạy, phòng học khang trang, có đủ chỗ học, thảo luận nhóm và tổ chức trò chơi, diễn tiểu phẩmv.v… Với tính chất công việc đặc biệt, cán bộ của Trung tâm phải làm việc với áp lực cao, song cán bộ giảng dạy LVARD vẫn được giành thời gian nhất định để chuẩn bị bài giảng. Một số Trung tâm như TT số 2, số 4, số 5 của Hà Nội, TT tỉnh Hà Tây có cán bộ chuyên trách giáo dục nên có điều kiện thuận lợi để chuyên tâm hơn vào việc nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị cho bài giảng.

Trung tâm số 5 của Hà Nội với lợi thế là địa điểm tập huấn LVARD tháng 7/2006, ngoài 2 cán bộ và 10 học viên cai nghiện được tham gia chính thức, Trung tâm đã cử thêm 2 cán bộ dự thính nên có đủ giảng viên cùng với 10 học viên cai nghiện được tập huấn làm trợ giảng để mở 10 lớp, mỗi lớp 30 học viên, học liên tục từ thứ 2 đến thứ 6 (trừ những tuần có nhiều hoạt động khác).

Để thực hiện ý tưởng nhân rộng lớp học LVARD trong Trung tâm khi có kết quả tốt, Trung tâm số 1, số 2, số 4 của Hà Nội đã cử cán bộ quản lý – giáo dục ở các Đội tham gia lớp học thí điểm từ 3 đến 5 cán bộ/lớp. 

Quá trình thực hiện, một số Trung tâm gặp khó khăn tưởng như khó vượt qua, song đã tích cực khắc phục nên vẫn duy trì được lớp thí điểm như: anh Thuận Hải, cán bộ TT số 2 của Hà Nội đã tiến hành rất tốt những bài đầu tiên, sau đó anh mất vì tai nạn giao thông. Trung tâm đã cử thêm hai cán bộ trợ giảng cho anh Quảng. Ngoài việc học hỏi anh Quảng, hai cán bộ này đã sang dự giờ giảng của Trung tâm số 1 và số 4 rồi nghiên cứu kỹ tài liệu nên giờ học LVARD của Trung tâm vẫn được tiến hành. Một số Trung tâm khác như TT số 6 của Hà Nội, TT tỉnh Hà Tây, TT tỉnh Hòa Bình có một trong hai cán bộ được tập huấn chuyển công tác, song người còn lại được Ban Giám đốc Trung tâm động viên, tạo điều kiện nên đã cố gắng nhiều để tổ chức lớp học.

Do mỗi Trung tâm có điều kiện, hoàn cảnh cụ thể khác nhau nên việc triển khai thực hiện lịch học cũng khác nhau. Có Trung tâm tổ chức học ban ngày xen kẽ với lịch lao động sản xuất như TT số 2 HN, TT tỉnh Hà Tây, Lào Cai. Có Trung tâm ban ngày học viên phải lao động sản xuất liên tục nên chỉ có thể tổ chức các hoạt động giáo dục vào buổi tối như TT số 1, số 4, số 6 của Hà Nội. Có Trung tâm tăng số lớp và số buổi học nên đã vượt kế hoạch. Vì thế, việc hoàn thành số bài giảng đến thời điểm này ở mỗi Trung tâm có khác nhau:


Các cán bộ Trung tâm nói trên đều là những cán bộ trẻ, khi kinh nghiệm sống chưa nhiều mà giảng dạy về Giá trị sống là điều khó khăn, mặt khác, lần đầu tiên tiếp xúc với chương trình nên không tránh khỏi bỡ ngỡ. Song thấy rõ tác dụng của chương trình nên họ đã cố gắng vượt qua khó khăn của bản thân để đưa chương trình đến người học. Các giảng viên đã dày công nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị thật kỹ bài trước khi lên lớp. Sau mỗi bài giảng lại suy nghĩ, trăn trở, rút kinh nghiệm để buổi học sau hào hứng hơn, mang lại được nhiều ý nghĩa hơn cho học viên.

Qua tổ chức áp dụng chương trình Giáo dục Giá trị sống ở các Trung tâm trên đã nổi lên những giảng viên xuất sắc như anh Cường (TT số 4 HN), anh Yên, anh Ngọc Anh (TT số 5 HN), anh Ngọc Anh (TT số 6 HN), anh Dũng, anh Hải (TT số 1 HN), chị Tuyến (TT tỉnh Lào Cai) v.v… Các giảng viên đã tạo nên những giờ học rất lôi cuốn, huy động được học viên suy ngẫm và chia sẻ sâu sắc, trung thực, ngay cả những câu hỏi nhạy cảm nhất đối với học viên.

Trong số 11 Trung tâm tham gia tập huấn, có 2 Trung tâm chưa tổ chức áp dụng chương trình là Trung tâm tỉnh Ninh Bình (đã tổ chức lớp học được một số bài, sau đó có sự thay đổi về tổ chức nên dừng lại) và Trung tâm số 3 của Hà Nội (là Trung tâm mới thành lập, cuối năm 2006 nhận học viên nên hiện đang bắt đầu tổ chức học).



II/ Kết quả áp dụng:

1. Mặt được:

Sau 6 tháng áp dụng chương trình, 9 Trung tâm nói trên đã tổ chức được 26 lớp học LVARD với 680 học viên. Một số kết quả đánh giá qua phiếu cho thấy học viên đã bước đầu có chuyển biến về nhận thức, như:




Trong nhiều trường hợp tôi không thích vâng lời cán bộ quản lý 

Trước lớp học: 72% 

Sau lớp học: 41% 




Tôi cảm thấy mình không thể làm lại cuộc đời 

Trước lớp học: 52% 

Sau lớp học: 44% 




Biết cách giải toả khi bị căng thẳng 

Trước lớp học: 36% 

Sau lớp học: 64% 


Chuyển biến nhận thức của học viên thể hiện rõ rệt nhất qua kết quả phỏng vấn trực tiếp, cho thấy đa số học viên yêu thích chương trình và những Giá trị sống bước đầu đã thấm vào nhận thức của học viên, giúp họ ý thức hơn trong hành vi ứng xử, trong suy nghĩ về cuộc sống. Xin trích dưới đây một số ý kiến điển hình:

Học viên (HV) Thắng ở Trung tâm số 4 HN (Tốt nghiệp đại học Sân khấu - điện ảnh) xúc động nói: Chương trình rất thú vị. Em không thể ngờ trong trung tâm cai nghiện lại có một chương trình giáo dục hay như vậy. Chương trình thật bổ ích cho em, giúp con người sống đẹp hơn. Cảm ơn chương trình.

HV Tuấn (TT số 4 HN): Em thật may mắn khi được học chương trình này. Lúc đầu em không tập trung lắm. Thày Cường dạy rất lôi cuốn, đã giúp em hiểu Giá trị sống… Được học về giá trị Yêu thương, em suy nghĩ nhiều về hành động của mình, những tình cảm của quá khứ khi em chưa nghiện tràn về. Em thấy xót xa, ân hận…

HV Đức (TT số 5 HN): Em là người rất nóng tính. Khi học chương trình này, em đã điềm đạm hơn.

HV Quỳnh (TT số 5 HN): Chương trình này cho em nhiều suy nghĩ. Em thấy tiếc thời gian nghiện. Có những điều tưởng như rất nhỏ nhoi nhưng lại rất quý. Trước đây em không để ý đến điều đó. Giờ đây em thấy khá lên rất nhiều.

HV Tuấn Anh (TT số 5 HN): Học Giá trị sống rồi, em không muốn nghiện nữa.

HV Hiệp (TT số 5 HN): Học giá trị Trách nhiệm, em thấy xã hội, gia đình có trách nhiệm với mình, mình phải có trách nhiệm trở lại.

HV Sơn (TT số 1 HN): Chương trình học nhẹ nhàng, thoải mái, giúp em hiểu sâu sắc hơn tác hại của ma tuý.

HV Thanh (TT số 1 HN): Lớp học đã làm thày trò gần gũi nhau. Trước đây em chưa bao giờ nói với thày và các bạn suy nghĩ của em, mặc dù em nghĩ rất nhiều.

HV Lừng (TT Hà Tây): Chương trình rất bổ ích, giúp em giảm căng thẳng, nhận biết được tình cảm yêu thương của gia đình, em thấy mình phải sống tốt hơn.

HV Trường (TT Hà Tây): Em đã từng sống rất buông thả, đã trải qua những đau đớn, xấu hổ. Chương trình giúp em biết cách tìm lại giá trị của mình

HV Chung (TT số 6 HN) - đã tốt nghiệp đại học Sư phạm ngoại ngữ: Điều em tâm đắc nhất là mọi người đều có thể phục thiện… Cần phải cân nhắc kỹ trước khi hành động. Em cần phải biết sống khoan dung và tôn trọng mọi người.

HV Kiên (TT số 6 HN): Em là người từng trải, ít phục ai, hay phản ứng ngay, điều đó mang đến cho em nhiều bất lợi. Chương trình đã giúp em suy nghĩ rõ ràng hơn về cuộc sống, giúp em thay đổi cách nói với mọi người, giúp em điều chỉnh bản thân và có kỹ năng sống tốt hơn. Em rất phục thày Ngọc Anh đã dạy em Giá trị sống.

HV Tuyến (TT số 6 HN): Học về các Giá trị sống, đối chiếu với bản thân, em đã hiểu vì sao hạnh phúc của mình tan vỡ, giải toả phần nào bức xúc với người vợ cũ. Em đã phân biệt được giữa khoan dung và nhu nhược, bất lực.

HV Toàn (TT tỉnh Lào Cai): Khi cô Tuyến nói “Giá trị sống” em thấy rất lạ. Nay em thấy rõ là phải cai nghiện và lấy lại giá trị của mình đã đánh mất.

HV Phi (TT số 2 HN): Trước đây em rất mặc cảm. Học Giá trị sống thấy không còn mặc cảm. Em nhận ra trong con người mình có sức mạnh mà em chưa phát huy được. Nhưng trước hết em phải bỏ ma túy đã.

Nhiều học viên: Khi vào Trung tâm cai nghiện, thấy rất nặng nề. Khi học giá trị sống, được chia sẻ suy nghĩ với thày, với các bạn, thấy nhẹ bớt đi. Chỉ có trong lớp học này em mới được chia sẻ những suy nghĩ của mình.

Một số giảng viên: Trước đây khi chưa dạy Giá trị sống, thày và học viên chưa bao giờ chia sẻ để hiểu những suy nghĩ của nhau. Chúng tôi quản lý học viên hàng ngày, nhưng không thấu hiểu điều họ nghĩ, họ đang gặp khó khăn gì, dự định sẽ làm gì khi trở về nhà… Qua hướng dẫn học viên nhận thức về Giá trị sống, chúng tôi đã hiểu họ hơn. Đó là điều hết sức cần thiết để chúng tôi giúp họ cai nghiện, phục hồi… Đã bắt đầu có sự khác biệt giữa học viên được học và chưa được học Giá trị sống. 

Lãnh đạo các Trung tâm đã có những đánh giá ban đầu về kết quả thí điểm rất khả quan: số vụ đánh nhau, xích mích giữa các học viên ở các Đội được học về Giá trị sống đã giảm hẳn. Tại Trung tâm số 1, số 4, số 5 HN, 6 tháng qua, trong số học viên này không ai bị kỷ luật.

Ông Lê Duy Luận - Giám đốc TT số 1 HN đánh giá: Qua áp dụng thử, nhận thấy chương trình Giáo dục Giá trị sống tương đối hoàn chỉnh, có tác dụng tốt.

Ông Phùng Quang Thức – Giám đốc TT số 6 HN nhận xét: Trước đây, sau khi được LVEP tập huấn, Trung tâm đã tổ chức một khóa học thí điểm cho học viên, kết quả cho thấy chương trình giáo dục này có tác động rất lớn đến học viên.

Ông Nguyễn Tây Nam - Phó Giám đốc TT số 4 HN cho biết: Trung tâm số 4 đã ra Nghị quyết chuyên đề về phát triển công tác giáo dục ở Trung tâm, coi công tác giáo dục chính là công tác quản lý. Chúng tôi đánh giá chương trình Giáo dục Giá trị sống là chương trình trọng tâm vì qua áp dụng thấy kết quả tốt, phù hợp với học viên.



2. Mặt hạn chế:

Bên cạnh những kết quả nêu trên, việc áp dụng chương trình ở Trung tâm vẫn còn những hạn chế cần khắc phục:

- Nhiều Trung tâm không có cán bộ chuyên trách giáo dục. Cán bộ vừa làm công tác quản lý, vừa làm công tác giáo dục nên mặc dù được Lãnh đạo TT tạo điều kiện, vẫn hạn chế về thời gian giành cho chuẩn bị bài giảng.

- Tài liệu dịch nhiều chỗ còn khó hiểu, chưa sát với ngôn ngữ Việt Nam (ý kiến học viên). Nhiều bài có thể gộp lại để chương trình được gọn hơn.

- Việc cử cán bộ tham gia tập huấn của một số Trung tâm còn chưa “đúng người, đúng việc” nên có người được tập huấn nhưng chưa phát huy được, ảnh hưởng không nhỏ đến chương trình thí điểm.

- Nhiều Trung tâm không cấp giấy, bút, tài liệu cho học viên do chương trình giáo dục Giá trị sống chưa phải là chính khóa nên không có nguồn chi kinh phí.

- Việc khảo sát kết quả bằng cách học viên tự đánh dấu vào Phiếu tự đánh giá bản thân chưa phản ảnh hết chuyển biến nhận thức của học viên.



III/ Bài học kinh nghiệm

Qua khảo sát, đánh giá kết quả thí điểm cho thấy: để áp dụng thành công chương trình giáo dục Giá trị sống cho học viên cai nghiện ở Trung tâm cần phải có những yếu tố sau:

1. Chương trình Giáo dục phải có sự quan tâm chỉ đạo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội với sự đi sâu, đi sát, đôn đốc, hướng dẫn các Trung tâm của cơ quan tham mưu là Chi cục (Phòng) Phòng chống tệ nạn xã hội. Vì thế, Chi cục (Phòng) Phòng chống tệ nạn xã hội cần có ít nhất một cán bộ được tập huấn về Giá trị sống để giúp Sở Lao động – Thương binh và Xã hội triển khai chương trình ở Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục – LĐXH (Trung tâm cai nghiện).

2. Trung tâm triển khai chương trình giáo dục phải có kế hoạch lập từ đầu năm (tổ chức lớp học từ 20 đến 30 người/lớp). Ban Giám đốc phải thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện vật chất về phòng học, loa đài, văn phòng phẩm, tài liệu học tập cho học viên và đi sát theo dõi, đôn đốc, đánh giá việc thực hiện chương trình.

3. Trung tâm cần có cán bộ chuyên trách giáo dục. Cán bộ giáo dục Giá trị sống phải là người tâm huyết với chương trình, chuyên tâm nghiên cứu tài liệu để hiểu sâu ý nghĩa của những vấn đề nêu trong bài, có khả năng nói lưu loát, huy động được học viên tham gia tích cực vào bài học. Tạo không khí hào hứng trong lớp học là yếu tố quan trọng để duy trì chương trình lâu dài. 

4. Cán bộ giáo dục Giá trị sống phải được tập huấn nâng cao năng lực giảng dạy, được cung cấp tài liệu tham khảo và được dự giờ giảng của Trung tâm khác để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm.

5. Học viên tham gia học tập phải có thời hạn ở Trung tâm từ 1 năm trở lên.

6. Việc khảo sát chuyển biến nhận thức của học viên bằng Phiếu tự đánh giá bản thân phải qua phỏng vấn trực tiếp mới có kết quả xác thực.



IV/ Đề xuất của các Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – LĐXH:

1/ Công tác giáo dục học viên ở Trung tâm hiện nay đã trở thành yêu cầu cấp thiết nhưng chương trình giáo dục còn manh mún. Đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quan tâm chỉ đạo để:

- Xây dựng và triển khai ở các Trung tâm chương trình giáo dục chính khóa.

- Biên soạn tài liệu giáo dục ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với học viên và không trùng lặp.

- Sử dụng phương pháp cùng tham gia trong hoạt động giáo dục học viên.



2/ Để việc giáo dục Giá trị sống phát huy tác dụng ở Trung tâm, các cán bộ Trung tâm (kể cả những cán bộ làm công tác bảo vệ, phục vụ) cũng phải được học tập về Giá trị sống để giữa các học viên, giữa thày - trò cư xử với nhau phải bằng Giá trị sống (Giám đốc Trung tâm số 2, số 4 và số 6 của Hà Nội đề nghị Cục Phòng chống tệ nạn xã hội tập huấn cho cán bộ của Trung tâm – lớp tập huấn do TT tự tổ chức 3 ngày/lớp). 



3/ Đề nghị Cục Phòng chống tệ nạn xã hội tiếp tục cử cán bộ hướng dẫn, giúp đỡ để chương trình được nhân rộng, trở thành chương trình thường xuyên trong Trung tâm.



3/ Đề nghị Chương trình Giáo dục Giá trị sống thực hiện một dự án triển khai áp dụng chương trình này ở Trung tâm cai nghiện trong 2 năm để đánh giá được đầy đủ hơn tác dụng của chương trình. 



V/ Hoạt động trong thời gian tới:

1- Các Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – LĐXH nói trên rút kinh nghiệm về kết quả đạt được trong 6 tháng của chương trình thí điểm, tiếp tục áp dụng toàn bộ chương trình (80 bài) và báo cáo kết quả về Cục Phòng chống tệ nạn xã hội. 

Riêng Trung tâm số 3 của Hà Nội và Trung tâm tỉnh Ninh Bình cần tổ chức áp dụng chương trình như đã được hướng dẫn tại lớp tập huấn. Cục Phòng chống tệ nạn xã hội sẽ cử cán bộ phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội và Ninh Bình theo dõi, hướng dẫn Trung tâm trong quá trình thực hiện.

2- Để phát huy tác dụng tích cực của chương trình đối với công tác quản lý – giáo dục học viên tại Trung tâm, đề nghị Lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, Lào Cai, Hòa Bình chỉ đạo đưa Giáo dục Giá trị sống vào chương trình chính khóa tại các Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – LĐXH của Hà Nội, Lào Cai, Hoà Bình, có cơ chế tạo điều kiện cho Trung tâm được chi kinh phí tổ chức học tập.

3- Đề nghị Chương trình Giáo dục Giá trị sống phối hợp với Cục Phòng chống tệ nạn xã hội tổ chức một khóa đào tạo tương tự cho các tỉnh, thành phố phía Nam trong năm 2007.


Nơi nhận: 

- Chương trình Giáo dục Giá trị sống; 

- Thứ trưởng Đàm Hữu Đắc (để báo cáo); 

- Vụ Hợp tác quốc tế ; 

- Sở Lao động - TBXH Hà Nội, Hà Tây, Hoà Bình, Lào Cai, Ninh Bình; 

- Chi Cục (Phòng) PCTNXH Hà Nội, Hà Tây, Hoà Bình, Lào Cai, Ninh Bình; 

- Lưu VP, PTT. 

CỤC TRƯỞNG 




Đã ký 





Nguyễn Văn Minh 

Giá Trị Sống - Vì một thế giới tốt đẹp hơn