Giá trị sống - Living values - 12 giá trị

Giá trị sống vì một thế giới tốt đẹp hơn

CHI HỘI KHOA HỌC TÂM LÝ – GIÁO DỤC GIÁ TRỊ SỐNG (LVEC)

LVEC là một tổ chức tập hợp các tình nguyện viên độc lập, không đại diện hay liên quan đến 1 tổ chức chính trị hay tôn giáo đặc thù nào và là thành viên liên kết chính thức của Hiệp hội các Giá trị sống quốc tế (ALIVE).

Các chương trình Giá trị sống cho cộng đồng:

* Giá trị sống dành cho các bậc làm cha mẹ.

* Giá trị sống trong văn hóa doanh nghiệp và tổ chức.

* Trại hè Giá trị sống cho thanh - thiếu nhi

* Học Giá trị sống tại nhà

* Chương trình Giá trị sống online

12 giá trị: bao gồm

Giá trị Bình an

Giá trị Tôn trọng

Giá trị Yêu thương

Giá trị Khoan dung

Giá trị Trung thực

Giá trị Khiêm tốn

Giá trị Hợp tác

Giá trị Hạnh Phúc

Giá trị Trách nhiệm

Giá trị Giản dị

Giá trị Tự do

Giá trị Đoàn kết

Chi Tiết Bài Viết

Blog 1

Báo cáo tập huấn về kỹ năng làm cha mẹ ở Văn Lương (Phú Thọ)

2018-10-16 16:31:51   

Địa điểm: xã Văn Lương, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ

 


Thời gian: 

- Lớp thứ nhất: từ 30/4 – 2/5/2006

- Lớp thứ hai: từ 6 – 8/5/2006

Thành phần và số người tham dự:

- Lớp thứ nhất gồm 30 phụ huynh, trong đó có 2 bố và 28 mẹ

- Lớp thứ hai gồm 30 phụ huynh: 50% bố và 50% mẹ

1. Nhận xét chung

Hầu hết các bậc phụ huynh cả hai lớp đều tham gia tương đối đầy đủ các buổi học, vào học và nghỉ đúng giờ, thực hiện tương đối tốt nội quy lớp học đề ra. 


Tương tự như phần lớn các lớp tập huấn khác, trong một hai buổi đầu, chưa quen với giáo viên, với phương pháp học tập mới và vẫn còn chút e ngại lẫn nhau, không khí lớp học hơi trầm, đa số học viên chưa tích cực tham gia đóng góp ý kiến. Nhưng những buổi học tiếp theo, hầu hết học viên tham gia sôi nổi, nhiệt tình, chia sẻ các trường hợp thực tế và kinh nghiêm của bản thân một cách chân thành, cởi mở. Lớp tập huấn đã tạo ra môi trường thuận lợi, thích hợp để các bậc phụ huynh giao lưu, trao đổi kinh nghiệm để học hỏi lẫn nhau. Nhiều chị em cho rằng, cũng với những người bạn đó của họ, nhưng trong môi trường hàng ngày, việc trao đổi với nhau về việc nuôi dạy con không thoải mái và không có tác dụng như trong không khí lớp học. Điều đó có ý nghĩa rất lớn đối với cải thiện vấn đề giáo dục hiện tại của học viên. 

Trên cơ sở các ý kiến chia sẻ của học viên, giáo viên đã sử dụng các biện pháp tế nhị, thích hợp để điều chỉnh nhận thức, hành vi của họ, cũng như cung cấp, bổ túc những kiến thức, kĩ năng còn thiếu khuyết. 

II. Nhận xét của phụ huynh về lớp học:

1. Những điểm tích cực: 

- Về phương pháp tập huấn: 

+ Nội dung học tập được triển khai thông qua nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi, phù hợp với đặc điểm học viên là người lớn đi học. Đặc biệt, nhờ có phương pháp thảo luận, chia sẻ, học viên đã được tham gia tích cực vào quá trình học và qua đó họ cũng rút ra được nhiều điều bổ ích.
+ Có sự kết hợp giữa học tập và vui chơi tạo ra không khí vui vẻ, thoải mái cho người học.
+ Có thời gian thực hành các kĩ năng.

Nhìn chung, hầu hết các phụ huynh đều đánh giá cao phương pháp tập huấn. Đây là những phương pháp dễ hiểu, thu hút sự tham gia của học viên, phù hợp với đặc điểm tâm lí và trình độ nhận thức của học viên.

- Về nội dung: 
+ Việc giới thiệu những giá trị sống cơ bản và những bài tập suy ngẫm, trải nghiệm giá trị sống rất có ý nghĩa đối với học viên, giúp họ có dịp khám phá bản thân, hiểu về mình hơn. Đây cũng là cơ sở tích cực để giáo dục con cái họ.
+ Những kiến thức và những kĩ năng được đưa vào lớp học là những điều gần gũi với đời sống thực tế, dễ hiểu, thiết thực và bổ ích cho cuộc sống của các gia đình. Ví dụ: tầm quan trọng của trò chơi với trẻ em và việc dành thời gian cho con cái; kĩ năng khen thưởng và động viên con, kĩ năng thiết lập nghi thức cho trẻ.
+ Các kĩ năng đều cụ thể và tỉ mỉ.
+ Một số tình huống thực tế cũng được giải quyết thấu đáo, hợp tình hợp lí.
Tóm lại, theo nhận xét của phụ huynh, các nội dung của chương trình gần gũi với thực tế, dễ hiểu và rất bổ ích.

2. Một số hạn chế: 

- Thời gian học còn hạn hẹp

- Một số kĩ năng rất thiết thực, bổ ích chưa được tập huấn kĩ, mới giới thiệu sơ lược như: Kĩ năng giải tỏa tức giận, chế ngự tress, tư duy tích cực.

3. Ý kiến góp ý và mong muốn, nguyện vọng của phụ huynh
- Tăng thêm thời gian tập huấn

- Bổ sung thêm một số nội dung rất thiết thực
- Tăng thêm số lượng các lớp tập huấn để nhiều phụ huynh khác cũng được tham gia.
- Những lớp tập huấn như thế này nên được mở đều đặn hàng năm để củng cố kiến thức, kỹ năng cho những người đã tham gia và cho những người mới được tham.

III. Cảm nhận của Giảng viên: 

- Tổ chức Plan đã quan tâm chu đáo và tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các lớp học như cấp học phí cho người đi học, cung cấp đầy đủ văn phòng phẩm, đến động viên, kiểm tra thường xuyên các đợt tập huấn.
- Ban điều hành chương trình tập huấn của xã rất nhiệt tình, tận tâm, có tinh thần trách nhiệm cao và làm việc rất khoa học.
- Phương pháp tập huấn đa dạng, linh hoạt, phù hợp với người học, giúp học viên dễ hiểu, dễ tiếp thu và thu hút được sự tham gia nhiệt tình của họ, 
- Nội dung chương trình gần gũi với thực tế, cụ thể, thiết thực và bổ ích cho học viên.
- Học viên nhận thức được sự ý nghĩa của việc học tập. Hầu hết học viên rất hoan nghênh chương trình tập huấn. Họ tham gia nhiệt tình, sôi nổi và rất ủng hộ giảng viên.

Trong những điều kiện khá thuận lợi trên đây, chúng tôi (giảng viên) rất cảm động và rất được khích lệ. Chúng tôi đã tập huấn với tình thần nhiệt tình, tận tụy, hòa đồng với học viên, cố gắng có những tác động tích cực nhất đến nhận thức và hành vi của họ. Trên thực tế, những cố gắng của chúng tôi đã được học viên ghi nhận (qua các bản nhận xét lớp học cũng như thái độ học tập của họ). Chúng tôi cảm nhận rất rõ rằng các lớp tập huấn này rất có ý nghĩa xã hội. Nó mang lại những điều bổ ích cho nhiều bậc phụ huynh và chắc chắn rất nhiều trẻ em là con em họ sẽ được hưởng lợi ích từ đó. Nếu tổ chức được nhiều lớp học như thế này hoặc tương tự thì càng nhiều trẻ em được hưởng lợi và thế hệ các em sẽ có những biến chuyển nhất định.

Về sự kết hợp nội dung giữa tài liệu tập huấn kĩ năng cha mẹ của Living value với cuốn tài liệu: Trò chuyện với trẻ em của tác giả Bonnie Miller. 

Qua nghiên cứu tài liệu của tác giả Bonnie Miller, chúng tôi rất vui mừng vì hai tài liệu này có nhiều điểm chung về quan điểm cũng như về các kĩ năng dành cho cha mẹ. Bên cạnh đó, điểm khác biệt rõ nhất giữa hai tài liệu là: tài liệu của Living Value mang tính khái quát hơn, nó chủ yếu đưa ra những kĩ năng có tính định hướng cho người tập huấn về vấn đề này. Trong khi đó, tài liệu của Bonnie Miller đề cập đến những kĩ năng cụ thể, tỉ mỉ dành cho người học - cha mẹ. Như vậy, tài liệu này đã giúp chúng tôi có thêm những kĩ năng cụ thể để giới thiệu và hướng dẫn cho phụ huynh. Sự kết hợp khéo léo giữa hai tài liệu này giúp chúng tôi có được một chương trình tập huấn hoàn chỉnh về kĩ năng dành cho cha mẹ. 

Qua đây chúng tôi muốn nói lời cám ơn với bà Bonnie Miller – người đã có những đóng góp đáng kể để chương trình tập huấn kĩ năng cha mẹ của chúng tôi trở nên hoàn chỉnh và đem lại hiệu quả cao cho các lớp tập huấn.

Hà Nội, ngày 18/5/2006
Người viết báo cáo




Nguyễn Thị Hoa




(Giảng viên lớp phụ huynh)

Giá Trị Sống - Vì một thế giới tốt đẹp hơn